Trợ giúp pháp lý - điểm tựa pháp luật cho phụ nữ

01 Tháng 7 2022

Trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận dân cư là phụ nữ luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật, bị phân biệt đối xử so với nam giới, là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tội phạm mua bán phụ nữ, sự nghèo đói và phụ thuộc, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Chính vì vậy, để thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thuộc diện được  trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã có nhiều hoạt động để triển khai thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 1431/CTPH - STP - HLHPN ngày 09/5/2018 giữa Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022 và các Kế hoạch thực hiện công tác trợ giúp pháp lý hàng năm.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý: thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý cho phụ nữ thuộc diện được trợ giúp pháp lý; lồng ghép truyền thông về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là người được trợ giúp pháp lý ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; cung cấp mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý đến các cấp Hội phụ nữ, thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý; thực hiện tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các Chi nhánh thuộc Trung tâm.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tổng số 2.261 vụ việc trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật: 172 vụ việc; tham gia tố tụng: 2043 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng: 01 vụ việc). Trong đó số vụ việc trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trẻ em gái là 576 vụ việc (chiếm tỷ lệ 25% trên tổng số các vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện).

Ảnh: Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật cho phụ nữ

Bên cạnh đó đã thực hiện đẩy mạnh lồng ghép hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đối tượng là phụ nữ. Trong giai đoạn, Trung tâm đã tổ chức 127 Hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tổng số người tham dự: 4.894 lượt người; Đặt gia công 600 Tờ thông tin, 197 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, 300 Tờ thông tin, 50 Hộp tin trợ giúp pháp lý cung cấp cho UBND các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng để lắp đặt; Biên soạn, đặt in 125.000 Tờ gấp tìm hiểu pháp luật về trợ giúp pháp lý để phục vụ hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam trên địa bàn tỉnh... Hợp đồng với Đài Phát thanh –Truyền hình các huyện phát sóng chuyên trang, chuyên mục truyền thông về trợ giúp pháp lý trên sóng Đài Phát thanh –Truyền hình 10 huyện và hệ thống loa phát thanh của 120 xã, thôn (24 lần/năm/xã). Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý được các địa phương, các tổ chức, cơ quan ghi nhận và mong muốn được truyền thông nhiều hơn nữa để làm cầu nối tuyên truyền pháp luật giúp cho phụ nữ và trẻ em gái nắm được các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân.

 

Ảnh: Một buổi truyền thông tại cơ sở do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước còn chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng hành nghề cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là phụ nữ, trẻ em gái thông qua các hoạt động như: tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân trong các vụ việc bạo lực gia đình, các đương sự là phụ nữ trong vụ án ly hôn,… Phối hợp với các Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh trong việc phát hiện, giải thích quyền được giúp pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là phụ nữ, cử người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là phụ nữ trong các vụ án hình sự, dân sự,… Phối hợp với các cơ quan khác như:  Hội Phụ nữ, Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, Tỉnh đoàn, Đoàn khối các Cơ quan tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và UBND các xã... tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trợ giúp pháp lý, Luật Hôn nhân gia đình, về Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự,… tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ hiện nay theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 chỉ được áp dụng cho phụ nữ thuộc một trong các nhóm như: người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính, nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính, người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính... Do vậy, chưa mở rộng được đến những phụ nữ và trẻ em gái khác trong việc tiếp cận để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý cho bản thân mình. Bên cạnh đó, không ít chị em phụ nữ vẫn chưa biết được về quyền trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Một số phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục thường cam chịu, không dám lên tiếng, do vậy gây khó khăn cho những người trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trong thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn sẽ  tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đảm bảo 100% người thuộc diện trợ giúp pháp lý là phụ nữ được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Tăng cường năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, chú trọng triển khai truyền thông về trợ giúp pháp lý phù hợp với đối tượng là phụ nữ. Phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan tiến hành tố tụng, UBND xã, phường, thị trấn trong việc tìm hiểu nhu cầu và thực hiện trợ giúp pháp lý cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

 

Sầm Hoa - Trung tâm TGPL Nhà nước

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…