Nội dung hỏi: Người sử dụng lao động là cá nhân chậm trả lương cho người lao động sẽ bị phạt thế nào theo luật mới?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn:

1. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

2. Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

3. Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

4. Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

5. Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Bên cạnh đó, buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm (Điểm a Khoản 5 Nghị định trên).

Nội dung câu hỏi: Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như thế nào? Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như nào? Tôi có nhu cầu muốn biết, xin được giải đáp.

Trả lời: 

Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như thế nào?

Căn cứ Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như sau:

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;
  2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;
  3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Theo Điều 5 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như sau:

  1. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
  3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.
  4. Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm: a) Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; b) Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; c) Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có); d) Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
  1. Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình, biểu mẫu, tài liệu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

 

Nội dung câu hỏi: Pháp luật hiện hành quy định nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì bắt buộc phải ghi căn cứ pháp lý để xử phạt đúng không?

Trả lời: 

Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

  1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
  2. a) Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;
  3. b) Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;

Như vậy, quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ghi căn cứ pháp lý để ban hành quyết định đó theo quy định trên.

 

Nội dung câu hỏi: Theo quy định hiện hành về lĩnh vực lao động thì đối với người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải bồi thường bao nhiêu cho người sử dụng lao động?

Trả lời

Căn cứ Khoản 2 Điều 40 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

Như vậy, đối với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động nữa tháng tiền lương một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Bên cạnh đó, phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo (nếu có).

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…