Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức Hội thảo Góp ý tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân mua bán

26 Tháng 4 2022

 Ngày 21/4/2022, Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư Pháp phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán. Chủ trì hội thảo có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Đồng chủ trì là bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cùng với đại diện các cơ quan Trung ương: Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung tâm phụ nữ phát triển; đại diện bộ đội biên phòng các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và các Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước, các Trợ giúp viên pháp lý, các chuyên viên trợ giúp pháp lý của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Giang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Ảnh: Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cù Thu Anh đã nêu những kết quả trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán, lao động di cư trong thời gian vừa qua đồng thời nêu một số hạn chế, nhiều điểm cần khắc phục, tăng cường khi thực hiện TGPL cho những đối tượng này. Đó chính là yêu cầu đặt ra, tính cấp thiết của việc hoàn thiện cuốn Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán. Vì vậy, Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp đã phối hợp với tổ chức UNWOMEN xây dựng “Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán” với mong muốn tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, thành phố việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và lao động di cư thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Ông Cù Thu Anh bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ nhận được sự trao đổi, đóng góp ý trực tiếp của các đại biểu đối với dự thảo tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán và lao động di cư và công tác hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho đối tượng này để nhóm chuyên giá phối hợp với Cục trợ giúp pháp lý tiếp thu hoàn thiện hơn cuốn Tài liệu.

Ảnh: Ông Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc

Hội thảo cũng nghe ý kiến phát biểu của bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cũng nhất trí cho rằng việc xây dựng tài liệu là cần thiết, tài liệu này giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý tham khảo về các kỹ năng cơ bản khi thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc liên quan đến nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán và lao động di cư.

Hội thảo đã được nghe bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày dự thảo Tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán; bà Phạm Thị Lan, chuyên gia của UNWOMEN cung cấp thêm thông tin về tình hình bạo lực ở khu vực và Việt Nam cũng như nhu cầu cung cấp các dịch vụ phối hợp cho nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán. Hội thảo cũng được nghe đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng, Hà Giang cung cấp thông tin về thực tiễn, những khó khăn bất cập và đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động này tại Bộ, ngành và địa phương, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tích cực trao đổi về nội dung cuốn tài liệu. Hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng cuốn tài liệu và mong rằng cuốn tài liệu này sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hỗ trợ, trợ giúp pháp lý có thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán (trong đó có phụ nữ, trẻ em) và lao động di cư, đồng thời đóng góp những ý kiến góp ý cụ thể, những chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những vấn đề cần xem xét, nghiên cứu khi hoàn thiện cuốn Tài liệu.

Kết thúc hội thảo, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất cụ thể, chất lượng của các đại biểu tham dự Hội thảo. Trên cơ sở đó, nhóm chuyên gia sẽ phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý và UNWOMEN hoàn thiện cuốn tài liệu từ đó giúp cho người thực hiện hỗ trợ, trợ giúp pháp lý có thêm nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao kỹ năng và chất lượng hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực, nạn nhân bị mua bán, từ đó góp phần nâng cao công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới./.

 

Nông Thị Trang

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…