Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2022

24 Tháng 3 2022

          Trong những năm qua, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt được nhiều kết quả tích cực. Các ngành là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng luôn quan tâm chỉ đạo cán bộ, công chức, đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc, triển khai có hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý, số lượng đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác thuộc diện được trợ giúp pháp lý được biết, tiếp cận và được giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý ngày càng cao. Thông qua hoạt động tham gia tố tụng, công tác trợ giúp pháp lý bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

          Trên cơ sở Quyết định số 291/QĐ-HĐPH ngày 28/02/2022 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương về việc ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2022, ngày 21/3/2022, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2022, theo đó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2022 như sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án sau khi Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án được ký ban hành.

Thứ hai, phối hợp triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT- TANDTC - VKSNDTC - BCA -  BQP - BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý.

Thứ ba, kiểm tra, theo dõi và đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó: Hội đồng phối hợp liên ngành xây dựng Kế hoạch, thành lập Đoàn kiểm tra để tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. Các đơn vị không tiến hành kiểm tra, đánh giá trực tiếp thì các ngành thành viên chỉ đạo tổ chức tự kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp và báo cáo kết quả tự kiểm tra về Sở Tư pháp. 

Thứ tư, Củng cố, kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng.

Cụ thể: Thường xuyên quan tâm rà soát, kiện toàn Ủy viên Hội đồng, thành viên viên Tổ giúp việc cho Hội đồng. Các cơ quan thành viên kịp thời gửi văn bản cử người thay thế thành viên về Cơ quan thường trực của Hội đồng khi có sự thay thế, bổ sung thành viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc vì lý do khác.

Thứ năm, Đẩy mạnh truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động:

- Hoạt động 1: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cung cấp, đặt, kiểm tra, thay thế Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin về trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ (đặt tại nơi người dân có thể dễ dàng đọc được thông tin về trợ giúp pháp lý) hoặc xây dựng bài viết, phóng sự, chuyên đề về hoạt động trợ giúp pháp lý để đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Lạng Sơn; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lạng Sơn; Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thành phố; Cổng thông tin điện tử của các ngành.

- Hoạt động 2: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cung cấp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý; cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Sổ theo dõi vụ việc cho các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ trên địa bàn tỉnh.

- Hoạt động 3: Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đầy đủ hoạt động giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 (chú trọng bảo đảm việc Thông báo về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10, ghi và biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án) và thực hiện các hoạt động phối hợp khác để nâng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được chuyển gửi tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

- Hoạt động 4: Thực hiện hoạt động truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức phù hợp khác.

Thứ sáu, Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực, nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý.

Thông qua việc tập huấn chuyên sâu Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp, các Bộ luật, luật tố tụng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý; Tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp dưới nhiều hình thức.

Thứ bảy, trên cơ sở văn bản phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an hướng dẫn người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Quy chế hoặc Kế hoạch phối hợp trong tố tụng hình sự giữa Công an tỉnh và Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Lạng Sơn.

          Đồng thời, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2022, theo Kế hoạch, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lạng Sơn thực hiện kiểm tra trực tiếp tại các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện gồm: Công an huyện Cao Lộc, Công an thành phố Lạng Sơn;Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hữu Lũng; Tòa án nhân dân huyện Bắc Sơn. Các đơn vị không được kiểm tra, đánh giá trực tiếp thì các ngành thành viên chỉ đạo tổ chức tự kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp của ngành mình và gửi báo cáo về cơ quan thường trực của Hội đồng./.

 Hoàng Thị Hải

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…