Chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn

20 Tháng 12 2022

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với 231,74 km đường biên giới tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu quốc gia và 09 cửa khẩu phụ. Hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường sắt và đường bộ với 05 tuyến đường Quốc lộ nối liền Lạng Sơn với các tỉnh trong nước và Trung Quốc, Lạng Sơn là cửa ngõ của cả nước rất thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế, phát triển du lịch... giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Lạng Sơn là tỉnh có người dân tộc thiểu số chiếm đông, đa số làm nông nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, do đó việc tiếp cận với các quy định của pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân đặc biệt là người dân tại khu vực biên giới còn hạn chế, mâu thuẫn tranh chấp trong nhân dân, khiếu kiện đông người vượt cấp tiềm ẩn phức tạp.

Triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn là một trong sáu tỉnh trong cả nước ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm. Để đáp ứng yêu cầu đó, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư đã nêu: “Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác PBGDPL”. PBGDPL là lĩnh vực tác động đến mọi chủ thể, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và vùng miền trong cả nước, do đó, để thực hiện thành công chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn cần có sự đồng thuận và vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các huyện biên giới.

Công tác PBGDPL tại khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung, hình thức PBGDPL đã có sự đổi mới, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn, trong đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL đã từng bước được chú trọng triển khai và đạt được kết quả bước đầu.

Trong 05 năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở tại khu vực biên giới đã tích cực tham gia vào công tác PBGDPL. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện các chuyên mục phổ biến, tuyên truyền pháp luật (Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thông qua chuyên mục “Bảo hiểm xã hội với cuộc sống”; Công an tỉnh với chuyên mục “Vì an ninh xứ Lạng” và “Bản tin an toàn giao thông” Sở Tư pháp với chuyên mục “Trả lời bạn nghe đài” và “Trả lời bạn xem truyền hình; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với chuyên mục “Quốc phòng toàn dân”…) đã tuyên truyền được nhiều tin, bài, ảnh về công tác đấu tranh chống các loại tội phạm, bảo vệ kỷ cương pháp luật trên địa bàn biên giới được trên 8.600 tin, bài, phóng sự.

Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh http://www.langson.gov.vn/ đã hoà mạng quốc gia và quốc tế sử dụng thường xuyên 02 thứ tiếng: Tiếng Việt và Tiếng Anh đã thu hút được hàng chục nghìn lượt người truy cập. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh (http://www.langsontv.vn/) đưa nội dung thông tin lên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt, bằng tiếng các dân tộc; Trang thông tin PBGDPL của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh (www.pbgdpl.langson.gov.vn); Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp (http://sotp.langson.gov.vn/) đã cập nhật các đề cương, tài liệu tuyên truyền pháp luật, video, clip phóng sự về tuyên truyền pháp luật. Trang thông tin điện tử của một số ngành khác như: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Lạng Sơn... đã tích cực tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. Đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tích cực, chủ động xuống cơ sở, đi thực tế tại các xã, huyện biên giới để viết tin, bài phản ánh kịp thời tình hình kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới của tỉnh, góp phần động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực lao động sản xuất, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Với vai trò là Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021”, một trong những mục tiêu trọng tâm của Sở Tư pháp là tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh xây dựng Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh dùng chung. Tháng 12/2020, Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh được xây dựng xong và chính thức đi vào hoạt động. Trang Thông tin PBGDPL tỉnh được Sở Tư pháp tham mưu xây dựng đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL theo định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bảo đảm tính tương tác, gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác PBGDPL; hoạt động trên nhiều nền tảng thiết bị; hướng tới các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL. Giao diện Trang Thông tin điện tử PBGDPL được thiết kế khoa học, thân thiện; ưu tiên vị trí nổi bật để bố trí các chuyên mục, chức năng phục vụ thông tin PBGDPL đáp ứng nhu cầu tra cứu, cập nhật thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Việc xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm để đăng tải lên Trang thông tin điện tử PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân cũng được thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng (bài giảng điện tử, video clip, phóng sự tuyên truyền pháp luật, câu hỏi - đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, Tài liệu đề cương giới thiệu các luật, nghị định mới ban hành…); tổ chức các chương trình truyền thông, bài viết thông tin về pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội và đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL. Để phục vụ việc xây dựng nội dung cho Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đang xây dựng dữ liệu hỏi - đáp pháp luật trên cơ sở tổng hợp các tình huống hỏi – đáp về một số lĩnh vực pháp luật (hôn nhân – gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực; pháp luật về lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…). Cộng tác viên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh đã tích cực biên soạn và đăng tải nhiều tin bài, bài viết, tài liệu PBGDPL lên Trang PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; trong 02 năm qua, đã đăng tải 650 tin bài, đề cương, tài liệu PBGDPL các loại.

Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số trong PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng khác nhau cụ thể: xây dựng video, phóng sự hình, infograpfic tuyên truyền pháp luật để tuyên truyền trên internet, các trang mạng xã hội hoặc nhân bản ra USB cấp phát cho các cơ quan đơn vị, địa phương dễ khai thác. Thông qua các Cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật đã tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả. Việc sử dụng các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi trực tuyến (Zalo, Viber, Mocha35…) và mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Lotus…) đã mang lại những thông tin, phổ biến pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương cho người dân kịp thời, có hiệu quả. Đây cũng dần trở thành một trong những kênh quan trọng, dễ tiếp cận, được các địa phương tại khu vực biên giới lựa chọn nhằm đưa thông tin, PBGDPL tới người dân một cách nhanh nhóng và có sức lan tỏa rộng lớn, đặc biệt là đối với người dân sinh sống tại khu vực biên giới.

Các đội chiếu bóng lưu động thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại khu vực biên giới trước buổi chiếu từ 40 đến 60 phút trở lên gồm các nội dung tuyên truyền trọng tâm (chọn lọc các bộ phim có nội dung, chủ đề về pháp luật để cấp cho các đội CBLĐ, Rạp để chiếu phục vụ nhân dân như: Phim truyện lẻ: Biên cương; Vũ điệu tử thần; Nước mắt người cha; Phi vụ cuối cùng).

Liên đoàn lao động tỉnh đã xây dựng lực lượng, thành lập mạng lưới cộng tác viên nhóm kín trên không gian mạng, Tỉnh đoàn thanh niên thành lập Câu lạc bộ lý luận trẻ để triển khai thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ...

Sở Tư pháp tham mưu triển khai kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp dịch vụ “xác thực thông tin công dân”. Việc triển khai kết nối thành công với CSDLQG về dân cư để khai thác các dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân; thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin cá nhân; giúp người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp các hồ sơ, giấy tờ cá nhân đã có trên CSDLQG về dân cư.

Thực hiện Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; UBND tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng thí điểm Nền tảng cửa khẩu số nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên nền tảng công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Trước khi triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số, các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến bãi tại cửa khẩu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tác nghiệp tại cửa khẩu, cụ thể: lực lượng Hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan; lực lượng Bộ đội Biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; lực lượng Kiểm dịch thực vật sử dụng phần mềm của Cục Bảo vệ thực vật; lực lượng Kiểm dịch động vật đang thực hiện công tác quản lý trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Tuy nhiên, các hệ thống công nghệ thông tin này rời rạc, không có sự liên thông, gắn kết với nhau. Việc doanh nghiệp khai báo các thông tin chủ yếu thực hiện thông qua bản giấy. Các giấy tờ khai báo được các lực lượng chức năng nhập vào phần mềm để quản lý. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phải luân chuyển các giấy tờ đã được lực lượng chức năng xác nhận trước đó để làm các thủ tục tiếp theo. Đây cũng là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hóa qua khu vực cửa khẩu. Mặt khác, do sử dụng nhiều hệ thống phần mềm thiếu tính tổng thể, không đồng nhất tại khu vực cửa khẩu nên công tác quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động của khu vực cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu sự đồng nhất về thông tin, có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề không minh bạch,…

Do đó, nhu cầu cấp bách đặt ra là phải xây dựng một nền tảng số dùng chung duy nhất tại khu vực cửa khẩu. Nền tảng cửa khẩu số cần có tính ổn định cao, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước; tạo kênh cung cấp thông tin pháp lý đặc biệt quan trọng giúp kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu các tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu; giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp có phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ảnh: Cửa khẩu Hữu Nghị ứng dụng thí điểm nền tảng Cửa khẩu số

Sau 08 tháng xây dựng (từ tháng 7/2021 đến tháng 02/2022), tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra một Nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud và bảo đảm về an toàn thông tin, giúp các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một Nền tảng số duy nhất.

Nền tảng cửa khẩu số được xây dựng trên hai nguyên tắc: (1) Tuân thủ các quy định nghiệp vụ của tất cả các ngành tham gia tác nghiệp tại cửa khẩu; (2) Tối đa việc số hóa các quy trình, tổ chức nhằm đem lại giá trị lớn nhất cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Do đó Nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình tại cửa khẩu cũng như các thông tin pháp lý, xúc tiến thương mại. Dựa trên các thông tin được cung cấp, các doanh nghiệp sẽ xây dựng được lịch trình tối ưu nhất nhằm giảm được các chi phí phát sinh, tiết kiệm thời gian, đồng thời cũng làm giảm sức ép lên hệ thống hạ tầng của cửa khẩu; các thông tin khai báo trên Nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được việc khai báo tờ khai điện tử để thay thế tờ khai bằng giấy như trước đây.

Nền tảng cửa khẩu số ứng dụng công nghệ camera AI để nhận dạng biển số xe, kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ lưu lượng xe và đặc biệt là kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu với ngành Hải quan, cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải và cơ sở dữ liệu của các ngành chức năng khác. Việc kết nối này thể hiện độ tin tưởng cao cũng như tính chính xác của các dữ liệu trong hệ thống. Đồng thời, với việc số hóa hoàn toàn các quy trình, tổ chức, các lãnh đạo sẽ được cung cấp các dữ liệu thời gian thực một cách chính xác, độ tin cậy cao phục vụ đắc lực cho việc hoạch định, chỉ đạo và điều hành.

Với sứ mệnh là giải pháp hữu hiệu thích ứng với những khó khăn, thách thức, tạo điều kiện cho phát triển xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Nền tảng cửa khẩu số đã giải được bài toán giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ, thời gian, nhân lực, tăng thời gian giải phóng hàng, phương tiện qua cửa khẩu nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan được chặt chẽ, đúng quy định. Thông qua nền tảng Cửa khẩu số, lực lượng Hải quan và Biên phòng sẽ dễ dàng, chủ động, linh hoạt kiểm tra, đối chiếu, truy vấn, hồi đáp đối với các thủ tục mà tổ chức và cá nhân đã khai báo từ xa, từ sớm, để từ đó kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ việc thông quan được nhanh chóng, thuận lợi, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như:

Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị tại khu vực biên giới còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả. Chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cũng như bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ. Việc hướng dẫn nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả ở nhiều nơi chưa được chú trọng. Định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm. Một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với đối tượng là người dân khu vực biên giới.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Dữ liệu hỏi - đáp pháp luật trên môi trường mạng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, tìm hiểu pháp luật của người dân còn chưa phong phú, đôi khi trùng lặp, chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Người dân tại khu vực biên giới đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vãng lại, lao động tự do sinh sống quanh khu vực biên giới chưa có thói quen chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật trên internet.

Thiếu nguồn nhân lực có chất lượng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Kinh phí cho việc triển khai thực hiện bố trí chậm, chưa bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến một số nhiệm vụ, giải pháp chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện. 

Quy định của pháp luật về xã hội hóa công tác PBGDPL chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL tại khu vực biên giới.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, công tác PBGDPL tại khu vực biên giới đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm.

Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền tại khu vực biên giới, sự chủ động, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan, đơn vị là yếu tố quyết định cho thành công trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cần có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có sự trao đổi kinh nghiệm; ứng dụng các thành tựu, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu tương tác, trực tuyến phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời sơ kết, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phát hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

Thứ tư, phát huy đầy đủ trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL nói chung; tăng cường trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, lĩnh vực quản lý.

Thứ năm, bảo đảm nguồn lực con người, kinh phí cho việc thực hiện, tăng cường xã hội hóa trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác PBGDPL; cần có các giải pháp bắt nhịp với định hướng chuyển đổi số quốc gia thời gian tới./.

Tô Thị Huệ

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…