Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn

20 Tháng 12 2022

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía đông bắc của Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc dài 231,74km, có 02 cửa khẩu quốc  tế, 01 cửa khẩu chính và 09 cửa khẩu phụ; có 05 huyện với 20 xã và 01 thị trấn biên giới. Trong những năm qua, khu vực biên giới được quan tâm đầu tư, xây dựng về mọi mặt, kinh tế, xã hội có bước phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao; hệ thống chính trị được củng cố, xây dựng vững mạnh, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vùng biên giới là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng của tỉnh, việc tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế, do đó tình trạng người dân vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết pháp luật vẫn còn xảy ra. Hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên biên giới cũng như vấn đề xuất, nhập cảnh trái phép gắn với buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục gia tăng. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” đẩy mạnh chống phá quyết liệt; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Xác định nhiệm vụ tuyên tryền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phong phú, phù hợp, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới đất liền. Công tác PBGDPL tại khu vực biên giới được triển khai, thực hiện hiệu quả đi vào chiều sâu, thực chất đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn các huyện biên giới. Củng cố niềm tin của Nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, kinh tế, văn hoá, xã hội có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn như sau:

Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai

Thực hiện các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PBGDPL, thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL và tổ chức các hoạt động PBGDPL tại khu vực biên giới có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Hằng năm, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu xã hội, Sở Tư pháp đều tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn toàn tỉnh, kế hoạch thực hiện các Đề án về PBGDPL hoặc ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật mới được ban hành, các vấn đề mới, nóng được dư luận xã hội quan tâm. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đã ban hành các văn bản về PBGDPL nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp với lĩnh vực công tác, địa bàn quản lý. Các văn bản đó cùng với các văn bản của Đảng đã tạo khuôn khổ chính trị - pháp lý điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực PBGDPL, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho bước chuyển mới, căn bản, từ tư duy triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án sang tư duy chính trị - pháp lý, gắn với trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ pháp lý theo luật định.

Ảnh: Hội nghị tuyên truyền pháp luật tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma 

Công tác quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của các Luật, Nghị quyết mới ban hành, các chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; quốc phòng, an ninh; các văn bản luật liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, chủ trương nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, quy định mới về cải cách hành chính, cải thiện môi trường, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhờ thực hiện tốt công tác quán triệt, phổ biến, truyền thông nên đến nay, nhận thức về vị trí và vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL nói chung cũng như công tác PBGDPL tại khu vực biên giới của các cấp, các ngành và Nhân dân được nâng lên. Công tác PBGDPL đã và đang trở thành nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị; bước đầu phát huy tinh thần trách nhiệm tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân, đặc biệt là người dân khu vực biên giới; huy động các nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của Nhân dân.

Thực hiện Kế hoạch số 919/KH-BCĐ ngày 23/3/2017 của Ban Chỉ đạo Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021" Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 04/5/2017 về tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021", chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện biên giới tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới; bảo đảm triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 01/3/2022 về triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 -2025” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25/4/2022 về triển khai, thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 -2027” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh ban hành Kế hoạch số 1618/KH-BCH ngày 25/5/2022 về triển khai thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” giai đoạn I 2022-2024.

Công tác xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL

Để công tác PBGDPL nói chung trên địa bàn tỉnh cũng như công tác PBGDPL tại khu vực biên giới đạt hiệu quả, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng PBGDPL từ tỉnh đến huyện, hiện toàn tỉnh có 326 cán bộ làm công tác PBGDPL, tại các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; Trong đó: 86 báo cáo viên pháp luật tỉnh; 25 cán bộ pháp chế các sở, ngành; cấp huyện có: 38 công chức Phòng Tư pháp, 320 báo cáo viên huyện; cấp xã có 407 công chức Tư pháp - Hộ tịch, 3.332 tuyên viên pháp luật, 1.718 tổ hòa giải với 10.891 hòa giải viên. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL tại các cơ quan, đơn vị đều có trình độ chuyên môn và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng TTPBGDPL để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, còn có đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm đông đảo làm công tác PBGDPL của các ngành, các Ban của Đảng, tổ chức đoàn thể như: Báo cáo viên của Đảng, Giảng viên, Giáo viên, Công an viên, Trợ giúp viên pháp lý, Chấp hành viên thi hành án, Luật sư, luật gia...  góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Gắn công tác PBGDPL với nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh, trật tự và đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu, trao đổi kiến thức pháp luật cho cán bộ và người dân tại khu vực biên giới, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị của tỉnh và các huyện, các xã, thị trấn biên giới đã chỉ đạo xây dựng, phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ pháp luật như: Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”; Câu lạc bộ thực hiện cuộc vận động 5 không 3 sạch; Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; Câu lạc bộ “Vận động phụ nữ giúp đỡ chồng, con tự cai nghiện tại gia đình”; ĐVTN, học sinh nói không với ma túy ...; thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức hoạt động, coi trọng áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, thiết thực với người dân. Các xã, thị trấn biên giới đã thành lập 20 Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật” phục vụ nhu cầu tư vấn pháp luật cho hội viên và Nhân dân. Thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ đã giúp hội viên và Nhân dân nâng cao hiểu biết, tự giác chấp hành pháp luật, từ đó trở thành những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền, vận động Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn biên giới.

Ảnh: Cấp phát tài liệu tuyên truyền tại huyện biên giới

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả 13 Tổ Tư vấn pháp luật ở Cơ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, 11 đồn Biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động; đã thành lập 21 Tổ Thông tin - Truyền thông của các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới, do đồng chí Chính trị viên đồn Biên phòng làm Tổ trưởng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách công tác Tư pháp làm Tổ phó, với 107 đồng chí đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác TTPBGDPL ở địa bàn biên giới.

Kết quả triển khai các hình thức PBGDPL

Tuyên truyền miệng là hình thức được các cơ quan, đơn vị sử dụng phổ biến nhất vì phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương và có nhiều ưu thế trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã từng bước đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng trao đổi, thảo luận hai chiều giữa người nói và người nghe. Các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021" cấp tỉnh đã tổ chức 19 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc ngành mình, với hơn 1.416 lượt cán bộ tham dự. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hình sự, dân sự và các lĩnh vực khác liên quan đến đời sống, xã hội, quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân mới có hiệu lực thi hành và các văn bản như: 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Luật Quốc phòng; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật đất đai; Luật bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm Hành chính; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND…; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sửa đổi một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt...các nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Ban Chỉ đạo Đề án cấp huyện và các xã, thị trấn biên giới, các Đồn Biên phòng đã tổ chức được 166 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ thôn (bản); thành viên Tổ Thông tin Truyền thông của các Đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới; Tổ Tư vấn pháp luật; Tổ Hòa giải; lực lượng Cộng tác viên pháp luật; thành viên các câu lạc bộ; người có uy tín trong cộng đồng dân cư với trên 8.390 lượt người tham dự. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật và hoà giải viên của 21 xã, thị trấn biên giới và 11 Đồn Biên phòng có 1.487 người, có trình độ, kiến thức về pháp luật, là lực lượng chủ công, nòng cốt TTPBGDPL, là lực lượng nắm tình hình dư luận xã hội, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh tại cơ sở.

Để phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng, các ngành, các cấp đã tích cực tổ chức các hội nghị chuyên đề, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các hội nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương, các cuộc họp thôn, bản và chương trình học tập của các nhà trường, các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện gắn với thực hiện hiệu quả các đề án, phong trào, các cuộc vận động có ý nghĩa hướng về biên giới. Vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, biện pháp để truyền tải thông tin, kiến thức pháp luật sinh động, hiệu quả cao, sát với chức năng, nhiệm vụ, từng nhóm đối tượng như: người đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên, học sinh các cấp; hành khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu; đối tượng cai nghiện, quản lý nghiệp vụ trong cộng đồng...

Các cơ quan, đơn vị là thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo Đề án đã chủ động biên soạn đề cương, tài liệu để học tập, phổ biến pháp luật; in tờ rơi, tờ gấp, tranh, ảnh, áp phích cổ động phù hợp với từng đối tượng, cấp cho các xã, thị trấn biên giới và các đồn Biên phòng phục vụ công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã chủ động định hướng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành dọc; xây dựng các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện, bảo đảm công tác tuyên truyền được toàn diện, sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn 07 đầu sách và 8.000 cuốn cẩm nang pháp luật, 525 đề cương tuyên truyền 15 nội dung; biên tập 06 bản tin với 3.137 tin; 06 sổ tay kiến thức pháp luật với 6.000 cuốn; in, phát hành 34 ấn phẩm với 8.000 đĩa DVD, 16 loại với 447.772 tờ rơi, 25 loại với 19.074 áp phích… để triển khai đến cơ sở, phục vụ  việc học tập, tra cứu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.

Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã biên soạn và cấp phát được trên 47.500 bộ tài liệu, đề cương tuyên truyền, cẩm nang pháp luật về các lĩnh vực pháp luật hòa giải ở cơ sở, xử lý vi phạm hành chính, hôn nhân và gia đình, môi trường, bầu cử, phòng chống ma túy; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19; xử lý vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh …các tài liệu, đề cương tuyên truyền được biên soạn theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn được tuyên truyền. Tiến hành in và cấp phát 160.000 tờ gấp các loại, 2.350 cuốn sổ tay hoà giải để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và 3.000 cuốn Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện để phát cho các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Biên soạn và cấp phát Sách hỏi đáp pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Sổ tay hướng dẫn xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Sổ tay pháp luật song ngữ Việt -Trung bỏ túi; Cẩm nang tuyên truyền viên pháp luật và các video clip, phóng sự tuyên truyền pháp luật với nội dung phong phú, sinh động...

 Quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, căn cứ tình hình của từng địa phương, các huyện, các xã, thị trấn biên giới và các Đồn Biên phòng, hằng tháng, mỗi địa phương, đơn vị đã chủ động biên soạn được từ 01 đến 03 đề cương tuyên truyền, Trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, quân đội, địa phương và các đợt, tháng cao điểm tuyên truyền, các đơn vị, địa phương đã huy động tối đa lực lượng, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh (48 file âm thanh), tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan, xây dựng các tiểu phẩm (hoạt cảnh, ca, kịch) về chủ đề phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội để tổ chức biểu diễn, tuyên truyền trong Nhân dân; kết quả trong những năm qua đã xây dựng 26 tiểu phẩm để tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa.

Việc định kỳ, thường xuyên phối hợp xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, Nhân dân biên giới giữa các cấp, các ngành đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp Nhân dân; đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng các cấp nhiệm, kỳ 2020-2025, Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả, 100% đảng bộ xã, thị trấn biên giới, chi bộ thôn, bản, khu phố tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra an toàn, đúng quy định, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đạt 99,99%.

Trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc tích cực tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, chấp hành pháp luật, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hành khách, chủ xe, chủ hàng, các hộ kinh doanh và Nhân dân hai bên biên giới, cửa khẩu; phát tờ rơi, trả lời trực tiếp các ý kiến của người dân. Các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã tích cực tham gia vào công tác PBGDPL như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát huy hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục, như: Chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Chuyên mục “Quốc phòng toàn dân”, của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chuyên mục “Vì an ninh Xứ Lạng”, “An toàn giao thông” của Công an tỉnh; Chuyên mục “Pháp luật với cuộc sống”, của Sở Tư pháp; chuyên mục “Vì màu xanh cuộc sống” của Sở Tài Nguyên và Môi trường; Chuyên mục “Phụ nữ Xứ Lạng hôm nay” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Chuyên mục “Tuổi trẻ Xứ Lạng” của Tỉnh Đoàn và các “Trang tin pháp luật của các huyện biên giới; tuyên truyền trên Báo Lạng Sơn ở các Chuyên mục“Biên giới và biển, đảo Việt Nam”, “Thông tin pháp luật”; “Hỏi đáp pháp luật”; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh và các trang thông tin điện tử của các ban, ngành, đoàn thể; trên website, trang fanpage, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube… thu hút đông đảo người dân theo dõi.. Qua đó đã cập nhật các thông tin, tài liệu, các văn bản pháp luật mới ban hành để cán bộ, Nhân dân hiểu, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, các quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi sai trái, tiêu cực, tệ nạn xã hội, xây dựng xã hội an toàn, Nhân dân có cuộc sống bình yên.

Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới

 Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, tiêu biểu trong TTPBGDPL những năm qua luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện, giai đoạn 2017-2021 đã xuất hiện nhiều mô hình, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn ở cơ sở. Tiêu biểu như: mô hình “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, “Biên giới với học đường”, “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm,Mỗi tuần 1 câu hỏi, 1 đáp án” của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh trật tự và tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Vận động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh” của Công an tỉnh; mô hình “Cửa khẩu số, Hải quan số”Hải quan và Doanh nghiệp” của Cục Hải quan tỉnh; mô hình "Phụ nữ biên giới xây dựng mái ấm bình yên" của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình” và  Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình, câu lạc bộ “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, “Chi đoàn 3 không với Ma túy”, “Tuổi trẻ với pháp luật” của Tỉnh đoàn; hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch “PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số”… Các mô hình, cách làm hay đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, khẳng định sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp, đưa công tác TTPBGDPL có tính quần chúng, trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, các lực lượng và người dân ở địa bàn biên giới. 

Tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật, quy định của địa phương; nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, trao đổi pháp luật; triển lãm, trưng bày sách, ảnh về pháp luật; tổ chức tham quan mô hình tiêu biểu, cách làm hay, sáng tạo; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lưu động; tuyên truyền thông qua màn hình LED, cụm loa truyền thanh và tủ tra cứu pháp luật tại các cửa khẩu; tuyên truyền trên mạng xã hội; Cổng, Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương; phổ biến pháp luật trên tin nhắn điện thoại di động; phát tờ rơi, treo áp phích, khẩu hiệu; đặt hòm thư, niêm yết số điện thoại tố giác tội phạm tại các khu dân cư, các đường liên thôn, liên xã và các đường mòn trên biên giới; tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật và tổ chức xét xử lưu động các vụ án điển hình tại địa bàn các xã và trường học ở khu vực biên giới; tổ chức "Ngày hội Biên phòng toàn dân" hằng năm gắn với tuyên truyền pháp luật về biên giới; phát huy vai trò của Đội, Tổ Tuyên truyền văn hóa, biểu diễn các tiểu phẩm về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Kết quả, trong những năm qua, trên địa bàn biên giới đã tổ chức được 17.717 cuộc tuyên truyền, thu hút gần 2,2 triệu lượt người nghe.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL tại khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất: Chính quyền các cấp chưa đề ra được các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL tại khu vực biên giới mang tính chuyên biệt. Việc cụ thể hóa các nội dung văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác PBGDPL tại khu vực biên giới chưa sâu, chưa sát; sự phối hợp giữa các ngành thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL, thành viên các Ban Chỉ đạo Đề án ở cấp cơ sở trong tham mưu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ có lúc chưa đồng bộ, chủ động.

Thứ hai: Công tác chỉ đạo, triển khai các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành liên quan đến cán bộ và nhân dân khu vực biên giới ở một số đơn vị, địa phương còn chậm. Một số chính sách, quy định mới chưa nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội trong thi hành còn nhiều vướng mắc, gây phản ứng trong dư luận xã hội.

Thứ ba: Nội dung PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu thực thế của nhóm đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số; người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; hành khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu; đối tượng cai nghiện, quản lý nghiệp vụ tại khu vực biên giới..., chưa gắn với trách nhiệm học tập tìm hiểu pháp luật và hoạt động tập huấn nghiệp vụ của cán bộ, công chức; mới chú trọng các văn bản luật, của trung ương mà chưa chú trọng đúng mức đến văn bản do địa phương ban hành. Một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù và nội dung cần phổ biến; việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ tư: Tài liệu, đề cương PBGDPL biên soạn cấp phát tại khu vực biên giới chất lượng chưa sâu; hình thức chưa đa dạng và phong phú; chủ yếu tập trung vào giới thiệu sự cần thiết phải ban hành, quan điểm xây dựng, mục tiêu chính sách lớn của văn bản và một số nội dung cơ bản, nhất là điểm mới, sửa đổi, bổ sung mang tính định hướng, dành cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức thi hành văn bản mà chưa gắn với các hành vi bị nghiêm cấm, biện pháp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, thiếu sự phân hóa về nội dung và phương pháp dựa trên đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực.

Thứ năm: Cách thức triển khai công tác PBGDPL chậm được đổi mới, thiếu linh hoạt, ít sáng tạo; chưa khắc phục được tính hình thức trong hoạt động PBGDPL; hiệu quả chưa cao nên chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành và bảo vệ pháp luật; tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ của công tác này trong cuộc cách mạng 4.0.

Thứ sáu: Chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại khu vực biên giới còn hạn chế, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã hoặc ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số (yếu về nghiệp vụ nên khó thu hút, thuyết phục người nghe).  Kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, việc sử dụng có nơi chưa hiệu quả; nhiều nơi chưa có kinh phí riêng mà lồng ghép với các hạng mục khác trong dự toán ngân sách hàng năm của từng đơn vị.

Để phát huy được hiệu quả công tác PBGDPL tại khu vực biên giới, cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan thường trực các Ban chỉ đạo đề án PBGDPL, đảm bảo thực hiện nghiệm túc, chặt chẽ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; phù hợp với đối tượng tuyên truyền.

Hai là: Tổ chức khảo sát, nắm chắc nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân khu vực biên giới; nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin; tốt công tác truyền thông các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các phương tiện truyền thông mới; đầu tư hợp lý về phương tiện vật chất, kinh phí bảo đảm; gắn công tác PBGDPL với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống, giải quyết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân vùng biên giới.

Ba là: Coi trọng xây dựng lực lượng nòng cốt cho công tác PBGDPL với cơ cấu hợp lý; xây dựng, nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ pháp luật, cách làm sáng tạo trong TTPBGDPL ở các địa phương; quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng ngày càng cao, trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bốn là: Thực hiện có nền nếp, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém để khắc phục, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, cách làm hay, sáng tạo trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới./.

Tô Thị Huệ

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…