Quy định về hành nghề Luật sư và xử lý vi phạm

22 Tháng 9 2022

Luật Luật sư năm 2006 sủa đổi, bổ sung năm 2012, quy định Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Theo đó, một người chỉ có tư cách Luật sư, được hành nghề Luật sư khi có đủ các điều kiện sau:

- Có Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp cấp;

- Đã gia nhập một Đoàn Luật sư;

- Được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư;

- Phải đăng ký hành nghề tại một Tổ chức hành nghề Luật sư hoặc đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân.

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Cá nhân hoạt động hành nghề Luật sư phải đảm bảo các điều kiện nêu trên. Nếu không đủ điều kiện mà hành nghề dưới bất kỳ hình thức nào thì đều bị coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật như sau:  

  1. Xử lý kỷ luật

Luật sư vi phạm điều kiện hành nghề sẽ bị xử lý kỷ luật theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc về ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư, bao gồm một trong các hình thức sau:

  • Khiển trách;
  • Cảnh cáo;
  • Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 06 tháng đến 24 tháng;
  • Xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư.

bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 

  1. Xử phạt hành chính

Người không có đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị coi là hành nghề trái phép và bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chỉnh phủ, cụ thể:

-  Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Hoạt động không đúng phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

+ Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư;

+ Sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân hoặc sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của người khác để hành nghề luật sư.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Hành nghề luật sư khi chưa có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn luật sư;

+ Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng hoặc treo biển hiệu khi tổ chức hành nghề luật sư do mình thành lập hoặc tham gia thành lập chưa được đăng ký hoạt động;

+ Hành nghề luật sư tại Việt Nam trong trường hợp không đủ điều kiện hành nghề; chưa được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam hoặc vẫn hành nghề khi đã bị tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

  1. Xử lý hình sự

Trường hợp mạo danh Luật sư hành nghề Luật sư trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù mức thấp nhất là 06 tháng, mức cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.

Dương Công Luyện

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…