Bộ Tư pháp ban hành Thông tư mới quy định về mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý

22 Tháng 9 2022

Ngày 05/09/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành số 05/2022/TT-BTP quy định về mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý. Thông tư gồm 4 Chương, 12 Điều. Thông tư bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:

1) Tại Chương I, Thông tư quy định mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý như sau:

  • Trợ giúp viên pháp lý hạng I – Mã số: V02.01.00
  • Trợ giúp viên pháp lý hạng II – Mã số: V02.01.01
  • Trợ giúp viên pháp lý hạng III – Mã số: V02.01.02

Như vậy, Thông tư đã  bổ sung chức danh  trợ giúp viên pháp lý hạng I và kế thừa 02 hạng (hạng II, hạng III ) theo Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV.

2) Tại Chương II, Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức trợ giúp viên pháp lý.

Quy định tiêu chuẩn chung đối với các hạng trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

- Về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp: (1) Thực hiện theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp; (2) Thực hiện theo các quy định, quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

- Về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng: (1) Có bằng cử nhân luật trở lên; (2) Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư; (3) Có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp trợ giúp viên pháp lý đã được bổ nhiệm theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 hoặc được miễn tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài các tiêu chuẩn chung, Thông tư quy định thêm các tiêu chuẩn riêng đối với chức danh Trợ giúp viên từng hạng. Cụ thể:

Tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I (Điều 5)

Tiêu chuẩn này được xây dựng mới theo hướng đây là hạng cao nhất trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý, cụ thể:

- Về nhiệm vụ (khoản 1 Điều 5) Thông tư quy định trợ giúp viên pháp lý hạng I có nhiệm vụ: Thực hiện trợ giúp pháp lý theo của định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý hạng I, trợ giúp viên pháp lý hạng II, trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo phân công của Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của trợ giúp viên pháp lý hạng I, trợ giúp viên pháp lý hạng II, trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo phân công; Tham mưu cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước kiến nghị với cơ quan nhà nước kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý; Chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tổ chức thực hiện văn bản, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý; Tổ chức biên tập hăc biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; Tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; Nghiên cứu đề xuất sáng kiến đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý; Tổ chức hoặc tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công.

- Về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (quy định tại khoản 2 Điều 5), gồm: Nắm vững và có năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý; Có kiến thức, hiểu biết về hệ thống pháp luật và chuyên sâu về nhiều lĩnh vực pháp luật được phân công; Thực hiện thành thạo các nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; chủ trì triển khai có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý; Được Cục Trợ giúp pháp lý xác nhận đã thực hiện ít nhất 02 vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân quân sự Trung ương trở lên; Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trợ giúp viên pháp lý hạng II, trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác; đã chủ trì thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc đánh giá hiệu quả ít nhất 20 vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên hạng II trở lên hoặc ít nhất 20 vụ việc tham gia tố tụng do cơ quan tố tụng cấp tỉnh trở lên giải quyết; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm; Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I phải có thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 năm cộng dồn (72 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II tối thiểu là 01 năm cộng dồn (12 tháng), tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II (Điều 6)

Về cơ bản, quy định của Thông tư kế thừa nội dung của Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành và tính chất công việc trợ giúp pháp lý.

- Về nhiệm vụ (khoản 1 Điều 6) Thông tư quy định trợ giúp viên pháp lý hạng II có nhiệm vụ: Thực hiện trợ giúp pháp lý theo của định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý hạng II, trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo phân công của Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của trợ giúp viên pháp lý hạng II, trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo phân công; Nghiên cứu, xây dựng hoặc tổ chức thực hiện văn bản, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý; tham gia xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý được phân công; Tổ chức biên tập hoặc tham gia biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; Tổ chức hoặc tham gia bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác; Thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

- Về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (quy định tại khoản 2 Điều 6), gồm: Nắm vững và có năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý; Có kiến thức, hiểu biết về hệ thống pháp luật và chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật được phân công; Thực hiện thành thạo các nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; triển khai có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý; Được Cục Trợ giúp pháp lý xác nhận đã thực hiện ít nhất 01 vụ việc tham gia tố tụng thành công; Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm; Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II phải có thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm cộng dồn (108 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III tối thiểu là 01 năm cộng dồn (12 tháng), tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Tiêu chuẩn chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng III (Điều 7)

Quy định của Điều 7 Thông tư kế thừa những nội dung còn phù hợp của Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Về nhiệm vụ (khoản 1 Điều 7) Thông tư quy định trợ giúp viên pháp lý hạng III có nhiệm vụ: Thực hiện trợ giúp pháp lý theo của định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo phân công của Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của trợ giúp viên pháp lý hạng III và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác theo phân công; Tham gia nghiên cứu, xây dựng văn bản, chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý ở địa phương; tham gia biên tập hoặc biên soạn chương trình, tài liệu hoặc tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo dự phân công; Thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.

- Về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (quy định tại khoản 2 Điều 6), gồm: Có năng lực vận dụng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý; Có kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực pháp luật trợ giúp pháp lý được phân công; Có năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật trợ giúp pháp lý cho luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

Thông tư không quy định tiêu chuẩn cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học đối với trợ giúp viên pháp lý. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đồng thời phù hợp chủ trương cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, mỗi viên chức trợ giúp viên pháp lý đều phải bảo đảm năng lực để đáp ứng nhiệm vụ chức danh mình đang giữ, do đó, Thông tư quy định theo hướng mỗi chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh được bổ nhiệm.

3) Tại Chương III, Thông tư quy định về hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trợ giúp viên pháp lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2022 và thay thế Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV ngày 23/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý./.

 

Hoàng Thị Hải

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…