Quy định về đối thoại tại nơi làm việc

15 Tháng 4 2022

Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã sửa đổi quy định đối thoại tại nơi làm việc với nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định kéo dài thời gian phải tiến hành đối thoại định kỳ tại nơi làm việc:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019, đối với trường hợp đối thoại định kỳ, người sử dụng lao động phải tiến hành đối thoại ít nhất 01 năm một lần (Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thời hạn ngắn hơn là định kỳ 03 tháng một lần). Như vậy, đây là một quy định có lợi cho các bên liên quan khi không phải tiến hành đối thoại với tần suất ngắn là 03 tháng một lần, gây tốn kém thời gian và chi phí cũng như các công tác chuẩn bị khác, đồng thời khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp đối phó băng hình thức các bên lập biên bản sau đó ký vào với nội dung không có gì để đối thoại.

Thứ hai, mở rộng trường hợp phải tiến hành đối thoại tại nơi làm việc:

Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ quy định tiến hành đối thoại trong 02 trường hợp: Đối thoại định kỳ 03 tháng một lần; và đối thoại theo yêu cầu của một bên. Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm một số trường hợp phải tiến hành đối thoại tại nơi làm việc, cụ thể:

- Đối thoại định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

- Đối thoại theo yêu cầu của một hoặc các bên;

- Đối thoại khi có vụ việc sau xảy ra tại nơi làm việc, đó là:

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

+ Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động (nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc...);

+ Xây dựng phương án sử dụng lao động;

+ Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;

+ Vấn đề thưởng cho người lao động, quy chế thưởng;

+ Các vấn đề liên quan đến nội quy lao động;

+ Tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp.

- Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp nêu trên.

Thứ ba, mở rộng nội dung đối thoại tại nơi làm việc:

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thêm một nội dung đối thoại là: “Nội dung mà một bên quan tâm”. Như vậy chỉ cần có sự yêu cầu của một bên là đủ điều kiện để thảo luận, trao đổi tại buổi đối thoại, trong khi Bộ luật Lao động năm 2012 quy định “Nội dung mà hai bên quan tâm”.

 Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc 

 Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được quy định tại Điều 37 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 như sau:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động.

Ở nơi làm việc có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động này tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ (sau đây gọi là nhóm đại diện đối thoại của người lao động) để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động.

Số lượng thành viên nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CPngày 14/12/2020.

- Để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể trong Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc;

b) Số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020;

c) Số lần, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm;

d) Cách thức tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc;

đ) Trách nhiệm của các bên khi tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động;

e) Việc áp dụng quy định tại Điều 176 của Bộ luật Lao động đối với các thành viên đại diện tham gia đối thoại bên người lao động mà không phải là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

g) Nội dung khác (nếu có).

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm cử đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định; Đồng thời, bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc; Định kỳ 6 tháng và năm đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về số lượng, thành phần tham gia đối thoại:

Về số lượng, thành phần tham gia đối thoại tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động bên phía người sử dụng lao động và người lao động được quy định chi tiết tại Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020.

Doanh nghiệp phải xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động theo hướng dẫn tại Điều 38 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP và việc xác định này được thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần, công bố công khai tại nơi làm việc. Trong khoảng thời gian giữa 02 kỳ, nếu có thành viên đại diện không thể tiếp tục tham gia thì người sử dụng lao động hoặc từng tổ chức đại diện người lao động, nhóm đại diện đối thoại của người lao động xem xét, quyết định bổ sung thành viên thay thế của tổ chức, nhóm mình và công bố công khai tại nơi làm việc.

Về nội dung đối thoại tại nơi làm việc:

Ngoài nội dung đối thoại bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động. Các bên lựa chọn một hoặc một số nội dung sau đây để tiến hành đối thoại:

a) Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

b) Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;

c) Điều kiện làm việc;

d) Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động;

đ) Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động;

e) Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Tô Thị Huệ

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…