Quy định về tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

05 Tháng 2 2024

Người có uy tín có vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương trên các lĩnh vực: tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng. Tại Quyết định số 12/2018 ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg) và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn; thủ tục công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín như sau:

  1. Tiêu chí, đối tượng lựa chọn người có uy tín

- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại các thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc;

- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;

- Có khả năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt, xử lý thông tin và quy tụ, tâp hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, cách ứng xử; được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

  1. Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín

- Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chon, công nhận 01 (một) người có uy tín;

- Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn, kể từ ngày 15/01/2024, thì Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số thôn được sáp nhập.

  1. Thủ tục công nhận người có uy tín

Trưởng thôn tổ chức họp thôn (có sự tham gia của ít nhất 2/3 số hộ gia đình trong thôn) để phổ biến về nội dung chính sách, tiêu chí, điều kiện, số lượng và đề cử danh sách lựa chọn người có uy tín gửi Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn;

- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản họp liên tịch thôn gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của các xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và lập hồ sơ gửi xin ý kiến của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của các huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận người có uy tín trên địa bàn huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

  1. Các trường hợp đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín

Việc đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín được thực hiện đồng thời và ngay khi xảy ra các trường hợp: Người có uy tín chết; vi phạm pháp luật; không đảm bảo tiêu chí theo quy định trên; mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; đã chuyển nơi khác sinh sống hoặc do sức khỏe yếu, tự nguyện xin rút khỏi danh sách người có uy tín.

  1. Trình tự, thủ tục đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín

Khi xảy ra trường hợp cần đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín theo quy định trên, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn thống nhất với Chi ủy chi bộ và tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, tổng hợp và lập hồ sơ (01 bộ gồm: Văn bản đề nghị kèm theo bản tổng hợp danh sách đề nghị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín, gửi Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

          (Văn bản thực hiện theo các mẫu Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 12/2023/QĐ-TTg)

Dương Công Luyện

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…