Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

31 Tháng 3 2023

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (Nghị định số 23/2018/NĐ-CP). Trong đó, nghị định quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, cụ thể như sau:

  1. Đối tượng của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

          Theo Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:

- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.

- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

  1. Phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP phát sinh từ rủi ro cháy, nổ, trừ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

  1. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Khoản 1 Điều 6 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc bao gồm:

(1) Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 23/2018/NĐ-CP (trừ cơ sở hạt nhân), doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:

- Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.

- Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.

- Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

- Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

- Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.

- Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.

- Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.

- Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.

- Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

(2) Đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

  1. Số tiền bảo hiểm tối thiểu của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Điều 5 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:

- Đối với các tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

- Đối với các tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan./.

 

Nguyễn Thu Huệ

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…