Hướng dẫn thực hiện quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

31 Tháng 1 2023

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo đó, hướng dẫn cách xác định thiệt hại thực tế và nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, Thiệt hại thực tế là thiệt hại đã xảy ra theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02, được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Trong đó bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần như sau:

- Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoăc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh sự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp khác bị xâm phạm.

- Còn thiệt hại tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù cấp tổn thất đó.

Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó việc xác định tuổi của người gây thiệt hại theo quy định tại Điều 586 của Bộ luật Dân sự năm 2015 được hướng dẫn như sau:

Tuổi của người gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây thiệt hại. Trường hợp không xác định được chính xác tuổi của người gây thiệt hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:

Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;

Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;

Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;

Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh;

- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa án lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và thay thế Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP./.

Tô Thị Huệ

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…