Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới

05 Tháng 11 2020

Sáng ngày 24/9, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn cử đại biểu tham dự Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới tại tại Hà Nội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động nhằm đánh giá sự phù hợp của Luật Bình đẳng giới với các chuẩn mực quốc tế; sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật với Luật Bình đẳng giới.

   Tham dự Hội thảo có khoảng 100 đại biểu là đại diện của các Bộ, ban ngành Trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên hợp quốc, cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế; các Sở, ngành địa phương, trong đó Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn cử 01 đại biểu tham dự... Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tham dự và đồng chủ trì Hội thảo.

   Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới đã được nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước triển khai xây dựng từ đầu năm 2018 tới tháng 6 năm 2019. Báo cáo là sự tổng hợp, rà soát 58 văn kiện luật quốc tế về quyền con người, hơn 40 Luật và khoảng 10 Nghị định, Thông tư của Việt Nam; thực hiện phỏng vấn 32 cá nhân tại Hà Nội và 260 cá nhân ở cấp tỉnh, huyện, xã tại 5 tỉnh chọn mẫu là: thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bắc Ninh, Lào Cai, Trà Vinh. Báo cáo tập trung đánh giá sự thống nhất của Luật Bình đẳng giới với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và các bộ luật, luật khác của Việt Nam; đánh giá kết quả thực hiện Luật trong giai đoạn 2007 - 2019, làm rõ những thành tựu và tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những khuyến nghị rất có giá trị trong việc xây dựng Chiến lược Bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. 

Description: C:\Users\ADMIN\Desktop\120114695_326548215311866_3187762599390143742_n.jpg

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Chủ tịch thường trực

Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam

   Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, nhiều thành tựu đáng tự hào về bình đẳng giới của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Điển hình như tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8% cao hơn so với mức trung bình 19% của các quốc gia Châu Á và 25% của toàn cầu. Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang nhau. Cơ cấu giới tính phân bố trong lực lượng lao động của Việt Nam tương đối cân bằng với tỷ trọng 52,7% nam giới và 47,3% nữ giới tham gia lực lượng lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đòi hỏi cần phải tăng cường lồng ghép bình đẳng giới trong tất cả các chính sách công, luật, các văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng chương trình, hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những vấn đề giới còn đang tồn tại cũng như những vấn đề giới nảy sinh trong thời gian tới.

Description: C:\Users\ADMIN\Desktop\120124994_328392118238560_5312618010068286547_n.jpg

Ảnh: Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

    Chia sẻ tại Hội thảo, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng trong suốt 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Bà ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu về thúc đẩy quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thông qua việc đẩy mạnh khung pháp lý và thể chế.

    Tại Hội thảo, Lãnh đạo của Bộ LĐ-TBXH và UNFPA đã kêu gọi nhiều hơn nữa những nỗ lực chung từ phía các Bộ, ban, ngành tại Trung ương và địa phương cùng các tổ chức Chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, đây là hoạt động đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội, và cần phải thực hiện ngay từ thời điểm bây giờ để mang lại hiệu quả cho giai đoạn sắp tới, nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong toàn xã hội./.

Bài và ảnh: Thu Hiền

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…