Kết quả 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

10 Tháng 9 2020

Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật, công tác lý lịch tư pháp (sau đây viết tắt là LLTP) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thể hiện ở một số mặt cơ bản sau:

   - Về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp: Từ khi Luật LLTP có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; chỉ đạo Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật LLTP; tổ chức, bố trí biên chế làm công tác lý lịch tư pháp; quan tâm về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí thực hiện công tác LLTP; tăng cường xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP...

   - Việc phối hợp cung cấp thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP được các cơ quan có liên quan chủ động, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP. Kết quả từ 01/7/2010 đến 30/6/2020, các cơ quan có liên quan cung cấp cho Sở Tư pháp 75.226 thông tin, trong đó: Cơ quan Tòa án cung cấp 39.169 thông tin; Cơ quan Thi hành án dân sự cung cấp 28.061 thông tin; Cơ quan Công an cấp huyện: 2.129 thông tin; Trung tâm LLTP quốc gia: 5.236 thông tin; Cơ quan khác cung cấp: 631  thông tin. Công tác phối hợp rà soát thông tin LLTP giữa Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp và các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu khác đã được các cơ quan Sở Tư pháp, Tòa án, Thi hành án và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định tại Điều 26 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP. Định kỳ hằng quý, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan Tòa án, Thi hành án… để thực hiện rà soát, đối chiếu về số lượng thông tin LLTP do các cơ quan cung cấp. Các thông tin LLTP Sở Tư pháp nhận được cơ bản đầy đủ và chính xác, một số thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ, các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự đã có Công văn bổ sung và đính chính.

   - Tình hình tiếp nhận, xử lý, cập nhật, cung cấp, lưu trữ thông tin LLTP tại Sở Tư pháp: việc quản lý cơ sở dữ liệu LLTP theo đúng quy định tại Điều 13 của Luật LLTP. Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp đã đã tiếp nhận là 75.226 thông tin. Theo đó, Sở Tư pháp đã lập được tổng số 11.222 hồ sơ LLTP; lập 6.135 Phiếu LLTP bổ sung; cung cấp 7.154 thông tin cho Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp khác theo thẩm quyền; Đối với thông tin LLTP bổ sung, sau khi tiến hành cập nhật thông tin LLTP bổ sung vào LLTP đã lập trên cơ sở các thông tin LLTP nhận được, Sở Tư pháp gửi cho Trung tâm LLTP quốc gia Phiếu cung cấp thông tin LLTP bổ sung bản giấy cho Trung tâm LLTP quốc gia theo quy định. Số lượng thông tin còn tồn đọng tính đến thời điểm hiện tại là 1.229 thông tin.

Về việc đề nghị cung cấp thông tin có trước ngày 01/7/2010 để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP: Sở Tư pháp đã chủ động liên hệ với đầu mối cung cấp thông tin tại các đơn vị Tòa án để đề nghị cung cấp sao y bản án hình sự bằng hình thức liên hệ qua điện thoại, gửi công văn; việc phối hợp trao đổi thông tin LLTP bổ sung cơ bản đạt kết quả.

   - Tình hình lưu trữ, bảo vệ hồ sơ LLTP bằng giấy: Sở Tư pháp thực hiện việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ LLTP bằng hai hình thức: bằng giấy và bằng dữ liệu điện tử theo đúng quy trình được quy định tại Mục 2, Mục 3 Chương II Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp. Hồ sơ LLTP bằng giấy được Sở Tư pháp lưu trữ, sắp xếp theo từng cá nhân, mỗi hồ sơ đã lập được đánh số lưu trữ hồ sơ không quay vòng theo năm đảm bảo chính xác và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, được lưu trữ và bảo quản đến khi cá nhân qua đời. Dữ liệu LLTP điện tử được đưa vào lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu LLTP đảm bảo tính chính xác, đầy đủ của thông tin theo đúng quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay, việc xây dựng cở sở dữ liệu LLTP để phục vụ cho việc tra cứu cấp phiếu LLTP đã đáp ứng được 40% nhu cầu tra cứu, xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích tại Sở Tư pháp

   - Công tác cấp Phiếu LLTP theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức: Sở Tư pháp thực hiện tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo các phương thức: tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu LLTP trực tiếp được thực hiện tại Sở Tư pháp theo cơ chế một cửa. Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp thụ lý 13.363 hồ sơ cấp Phiếu LLTP cho các cá nhân yêu cầu với mục đích yêu cầu cấp Phiếu khác nhau: để cá nhân biết được nội dung về án tích của mình; đăng ký các loại kinh doanh có điều kiện; xin việc làm, định cư tại nước ngoài; du học; xuất khẩu lao động tại Newzeland, Mỹ, Đài Loan; theo yêu cầu của doanh nghiệp trong nước... Ngoài ra còn cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Cấp tổng cộng 13.363 Phiếu LLTP. Trong đó, số lượng đúng hạn là 10.973 trường hợp, quá hạn 2.390 trường hợp. Các hồ sơ quá hạn về cấp phiếu LLTP, nguyên nhân chủ yếu do đợi kết quả xác minh của Công an, Toà án quân sự Trung ương hoặc trường hợp cần xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định phải đợi kết quả xác minh tại nhiều cơ quan khác nhau.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật LLTP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng có những khó khăn, vướng mắc như: biên chế công chức làm công tác LLTP còn thiếu về số lượng; cơ sở vật chất tại các cơ quan thực hiện nhiệm vụ LLTP (Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân...) trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa có kho lưu trữ riêng biệt và các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác lưu trữ hồ sơ LLTP; khó khăn trong việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích đối với các hồ sơ yêu cầu cấp phiếu có án tích; Việc phối hợp rà soát, cung cấp thông tin LLTP cho Sở Tư pháp của một số cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin đôi khi chưa được kịp thời, nhất là các đơn vị ngoài địa bàn tỉnh; mô hình 02 cấp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời của cập nhật, xử lý thông tin, tình trạng tồn đọng thông tin không được xử lý triệt để, còn gây lãng phí về thời gian, nhân lực và kinh phí    Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật LLTP trong thời gian tới, cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về LLTP, quy định chặt chẽ về thành phần hồ sơ, quy định thống nhất và đảm bảo về thời hạn giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP giữa Luật LLTP và các Luật, Bộ luật có liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự) đối với các trường hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích; quy định chặt chẽ về đối tượng được yêu cầu cấp, sử dụng Phiếu LLTP số 2 và hình thức của Phiếu LLTP số 2; có phương án kết nối cơ sở dữ liệu LLTP với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan khác, nhằm trao đổi, cung cấp, tra cứu thông tin LLTP giữa các cơ quan qua hệ thống mạng; nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ hai cấp hiện nay sang mô hình một cấp tập trung, thống nhất và được quản lý tại Bộ Tư pháp. Trong đó cần sự thiết kế và tính toán phù hợp để chuyển đổi như điện tử hóa thông tin LLTP đầu vào, có giải pháp về trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người, giải pháp đồng bộ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan cung cấp thông tin trên phạm vi toàn quốc./.

Người viết bài

Chu Thị Hương

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…