Quy định về dạy tiếng dân tộc trong trường học

03 Tháng 12 2021

         Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 Hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chỉnh phủ quy định về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, việc tổ chức dạy học phải do người dân tộc thiểu số ở địa phương có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục. Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong các cơ sở giáo dục phải là bộ chữ cổ truyền đã được lưu hành và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, được cơ quan chuyên môn xác định và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn hoặc bộ chữ được Chính phủ ban hành.

          Trường học tổng hợp nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số, báo cáo cơ quan có thẩm quyền; căn cứ vào các điều kiện tổ chức dạy học cụ thể của địa phương xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục. UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét các điều kiện về dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo đề nghị của UBND cấp tỉnh; thông báo bằng văn bản cho UBND cấp tỉnh trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

          Môn Tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo chương trình của từng cấp học, sử dụng thời lượng tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục. Việc học tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức theo lớp học. Đối với mỗi tiếng dân tộc thiểu số, nếu tất cả người học trong lớp có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số theo lớp học đó; trường hợp trong lớp học chỉ có một số người có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số riêng và có thể ghép chung với lớp khác nếu chưa đủ sĩ số. Số lượng người học tối thiểu của một lớp là 10 (mười) người.

          Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo ngành, chuyên ngành sư phạm về tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mở ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Người dạy đảm bảo số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 04 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 02 tiết/tuần dạy tiếng dân tộc thiểu số trở lên đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương cơ sở ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định. Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế; trường hợp có số tiết dạy vượt định mức quy định, số tiết dạy vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành của nhà nước.

          Người học là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.

          Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 01 năm 2022 và thay thế Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDDT-BNV-BTC ngày 03 tháng 11 năm 2011.                                                                                                

                                                                                       Nguyễn Huyền Trang

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…