HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2022

21 Tháng 12 2021

           Sáng ngày 21/12 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, kết nối với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

           Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; phòng tư pháp Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

          Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, chung tay cùng hệ thống chính trị trong giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

           Bộ Tư pháp đã hoàn thành 94/117 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đang tiếp tục thực hiện 23 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 VBQPPL. Ở các địa phương, đã ban hành 3.619 VBQPPL cấp tỉnh; 1.891 VBQPPL cấp huyện và 2.588 VBQPPL cấp xã. Bộ Tư pháp đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 634 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.904 dự thảo và 1.879 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định, cùng với đó toàn ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 12.366 VBQPPL.

           Các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với trên 45.705 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

          Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được tăng cường. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh/thành ghi nhận có trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh; trên 4,2 triệu dữ liệu kết hôn; trên 03 triệu dữ liệu khai tử; và trên 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

         Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã kịp thời điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Năm 2021, cả nước đã tổ chức 628.972 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí hơn 68,6 triệu bản tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; các hòa giải viên đã tiếp nhận 94.463 vụ, việc với tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt 80,23%. 

        Công tác bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện thể chế: Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho 1.005 trường hợp, nâng số luật sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề lên 20.289 người, các luật sư đã thực hiện 69.688 vụ việc; hoạt động công chứng được nâng cao về chất lượng và số lượng với 3.046 công chứng viên trên toàn quốc đã thực hiện công chứng được 6.264.914 hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác. Hiện nay cả nước có 1.152  đấu giá viên, 941 trọng tài viên đang hành nghề, các đấu giá viên đã thực hiện được 24.911 cuộc bán đấu giá thành trong năm 2021. Hệ thống Trung tâm Trợ giúp pháp lý toàn quốc tham gia 38.640 vụ việc; trong đó có 33.127 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 85,7% tổng số vụ việc, tăng 20,5% so với năm 2020)...

         Các mặt công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực. Đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch công tác tư pháp năm 2021 đã đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

                                                                      Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

         Sở Tư pháp đã hoàn thành đúng tiến độ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Thẩm định 68 dự thảo VBQPPL, góp ý 420 dự thảo văn bản bằng 131% so với cùng kỳ năm 2020 .

         Công tác PBGDPL tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, với nhiều phương thức đổi mới. Năm 2021 các cấp đã tổ chức trên 14.782 cuộc PBGDPL cho trên 1,29 triệu lượt người nghe (bằng 126% so với cùng kỳ năm 2020). Các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã giải quyết hoà giải thành 2.578/3.475 vụ việc, đạt tỷ lệ 75%...

         Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hộ tịch, nuôi con nuôi, cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực... Năm 2021, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 5.866 thông tin lý lịch tư pháp và thụ lý 2.132 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp...Cấp huyện đã thực hiện đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 09 trường hợp; kết hôn 20 cặp. Cấp xã thực hiện đăng ký khai sinh 9.658 trường hợp; khai tử: 4.983 trường hợp; kết hôn: 3.407 trường hợp. Hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh: các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện xong 277 vụ việc; công chứng 11.455 việc; thực hiện 137 cuộc đấu giá trong đó có 80 cuộc đấu giá thành; thụ lý 426 vụ việc trợ giúp pháp lý.

         Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận ý kiến về các về các vấn đề như: Kinh nghiệm triển khai, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện công tác tư pháp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19; công tác phối hợp với các  bộ, ngành trong xây dựng thể chế; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đấu giá tài sản...

        Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, biểu dương những kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2021, nhất là việc Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung tham mưu triển khai, thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách, nhiệm vụ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xây dựng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề thực hiện các nghị quyết đại hội Đại hội Đảng, Ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng thể chế nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tài chính tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ, người lao động. Cùng với đó tăng cường chất lượng, tiến độ thi hành án dân sự; xây dựng bộ máy tinh gọn; cơ cấu lại vị trí việc làm; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp; quan tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế.

         Đối với đề xuất của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp và báo cáo lại để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

         Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được công nhận các danh hiệu thi đua và được khen thưởng trong năm 2021 và phát động thi đua năm 2022.

Lương Văn Chuyền

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…