GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL TẠI KHU VỰC BIÊN GIỚI TỈNH LẠNG SƠN

21 Tháng 3 2023

Là địa phương có nhiều huyết mạch giao thông quan trọng cùng các cửa khẩu quốc gia, quốc tế trọng điểm, nên khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn hết sức sôi động về hoạt động thương mại, kinh tế đối ngoại… Tuy nhiên, đó cũng là “mảnh đất tốt” để các thế lực thù địch, các loại tội phạm gia tăng hoạt động, tiềm ẩn nhân tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phục vụ tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, PBGDPL là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để đưa pháp luật vào cuộc sống, là một bộ phận hợp nhất trong công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, là cầu nối để chuyển tải pháp luật đến với mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Việc đề xuất những giải pháp trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, giúp cho Nhân dân hiểu biết, sống và làm việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật; thông qua đó nhằm xây dựng chính trị, quốc phòng biên cương ổn định; kinh tế - văn hóa xã hội phát triển trên tinh thần hòa nhập và giữ được tinh hoa bản sắc dân tộc.

Với bối cảnh tình hình an ninh - trật tự tuyến biên giới có lúc, có nơi còn tiềm ẩn những bất ổn, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, đặt ra yêu cầu rất lớn đối với công tác PBGDPL tại khu vực này. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL tại khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Sở Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đưa ra một số giải pháp thực hiện sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác PBGDPL cho Nhân dân khu vực biên giới. Cần bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng gắn với công tác triển khai thực hiện PBGDPL cho Nhân dân vùng biên giới; kịp thời định hướng bằng các chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn với đối tượng đặc thù này. Các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan chức năng thực hiện công tác PBGDPL, nhất là ở cơ sở, gắn với phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nưởc và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh  đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 -2027”; Quyết định số 3863/QĐ-BQP ngày 05/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phê duyệt Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 -2025”.

Hai là: Cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới cần xây kế hoạch cụ thể để chỉ đạo công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của Nhân dân các xã biên giới trên địa bàn mình và có biện pháp giải quyết kịp thời. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền phổ biến rộng rãi trước mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết, nâng cao tinh thần cảnh giác không tin, không nghe theo dụ dỗ lôi kéo, tham gia tiếp tay cho các thế lực thù địch và đối tượng xấu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật; tích cực tham gia phát hiện kịp thời tố giác, báo ngay với cơ quan chức năng những hành vi sai trái, biểu hiện bất minh của các đối tượng để có biện pháp xử lý, đấu tranh, ngăn chặn các tội phạm. Tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong việc phòng, chống xuất cảnh trái phép đặc biệt là tại các địa bàn có diễn biến phức tạp về xuất cảnh trái phép góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ba là: Nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân vùng biên giới. Tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của toàn thể cán bộ và Nhân dân. Đặc biệt, công tác PBGDPL phải tập trung hướng đến hình thành ý thức pháp luật tích cực trong mỗi người dân; PBGDPL cần hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.

Bốn là: Chú trọng, quan tâm công tác xây dựng pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan thiết thực đến đời sống của người dân khu vực biên giới. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật và PBGDPL. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, từ đó, bồi dưỡng tình cảm, ý thức về trách nhiệm pháp lý và khả năng tiến hành các hành vi pháp lý đúng đắn, chính xác. Đối với các địa phương vùng biên giới cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hưởng dẫn thi hành, nhất là trách nhiệm được giao trong công tác PBGDPL. Thường xuyên nghiên cứu, điều tra, khảo sát nắm bắt dư luận xã hội đối với nội dung các văn bản pháp luật, nhất là các luật liên quan đến chủ quyền biên giới đất liền, các chính sách dân tộc…

Năm là: Đổi mới tổ chức bộ máy cán bộ thực hiện công tác PBGDPL tại khu vực biên giới. Nghiên cứu thành lập Ban Thông tin và Truyền thông ở cấp xã để thực hiện công tác thông tin, truyền thông, trong đó có nội dung truyền thông về pháp luật. Tổ chức, cán bộ làm công tác này cần nâng cao chất lượng các loại hình cung cấp thông tin định hướng; bám sát các hướng dẫn của Trung ương, nhiệm vụ của các cấp ủy cùng nhu cầu thông tin của các nhóm đôi tượng để lựa chọn, xây dựng nội dung và kế hoạch tuyên truyền một cách phù hợp. Lãnh đạo địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ tham gia PBGDPL cho Nhân dân khu vực biên giới, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luât, hòa giải viên, cộng tác viên pháp luật theo định kỳ để nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Sáu là: Đổi mới nội dung, hình thức, cách thức PBGDPL tại khu vực biên giới.

Với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo cần lựa chọn những nội dung pháp luật phù hợp, đơn giản, thiết thực như thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tham gia giao thông, trồng rừng… đặc biệt quan tâm đến người dân trong độ tuổi kết hôn, sinh đẻ để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế, xã hội với thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao trình độ dân trí, ổn định dân cư trên địa bàn. Đặc biệt quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.

Đối với người dân vãng lai, người lao động tự do quanh khu vực biên giới, chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các quy định của Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đào tạo nhân lực, tạo công ăn việc làm; cảnh báo về những rủi ro khi xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Đặc biệt, đối với công dân cư trú hai bên biên giới tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc giữa tỉnh Lạng Sơn và thành phố Sùng Tả, Quảng Tây; Thỏa thuận hợp tác về hành chính tư pháp giữa Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam với Chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 3 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; PBGDPL, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Tư pháp, tạo các điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác với nhau trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên...

Với nhóm đối tượng người dân dễ vi phạm pháp luật, cần chú trọng đến việc gắn với hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, tâm sinh lý của từng nhóm đối tượng để lựa chọn những văn bản pháp luật phù hợp.

Với đối tượng là học sinh trong các trường học, lãnh đạo nhà trường cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường.

Về nội dung PBGDPL: Ngoài các luật cơ bản, địa phương vùng biên giới cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến các luật như: Luật Biên giới quốc gia; Luật Quốc phòng; Luật Phòng chống mua bán người; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các chính sách dân tộc hiện hành như: Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tê - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/01/2015 về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; Nghị định 34/2014/NĐCP của Chính phủ ngày 29/4/2014 về “Quy chế khu vực biên giới đất liền”; Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sửa đổi một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; các nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Về hình thức PBGDPL: cần tập trung thực hiện những hình thức như: Tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hành khách, chủ xe, chủ hàng, các hộ kinh doanh và Nhân dân hai bên biên giới, cửa khẩu; xây dựng các video clip, phóng sự tuyên truyền pháp luật; tổ chức cấp phát tờ gấp, tờ rơi; thông qua các cuộc họp thôn; sinh hoạt Câu lạc bộ; chiếu phim lưu động; tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong khu dân cư để lồng ghép nội dung PBGDPL; củng cố, nâng cấp các tủ sách pháp luật; tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở và tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, nhất là các hình thức thi sân khấu hóa, thi trực tuyến trên mạng internet; tiếp tục PBGDPL qua hệ thông loa truyền thanh ở cơ sở, đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtue…; tăng cường chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến pháp luật trên cơ sở ưu tiên “giờ vàng” cho các chuyên mục đó để Nhân dân tiếp cận nhanh nhất với pháp luật... Bên cạnh đó, các đồn biên phòng cần kết hợp tổ chức PBGDPL thông qua vận động Nhân dân thực hiện tốt các phong trào như: phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”...

Về cách thức PBGDPL: Cách thức PBGDPL cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp đa dạng, nhiều hình thức, nhiều kỹ năng và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong tình hình mới. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Đổi mới cách thức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, không phô trương, hình thức, lãng phí. Hằng năm vào “Ngày biên phòng toàn dân 03/03”, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã biên giới phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức sơ kết phong trào ở cấp xã để khen thưởng, xử lý kịp thời. Kết hợp PBGDPL với hướng dẫn áp dụng pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho Nhân dân vùng biên giới. Tích cực PBGDPL chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân định kỳ; đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân. Thực hiện ký cam kết không vi phạm pháp luật cho các đối tượng đặc thù như học sinh, Nhân dân ở vùng biên giới.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các phương tiện truyền thông mới, dựa trên nền tảng số để người dân được tiếp cập dễ dàng, được hưởng lợi từ các sản phẩm số như các chính sách về hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa; kết nối, phát triển thương mại, văn hóa, du lịch… là hết sức quan trọng. Việc tiếp nhận các chủ trương, chính sách qua nền tảng số và các phương tiện truyền thông mới sẽ là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tiếp cận những tiến bộ xã hội một cách nhanh nhất, từng bước thu hẹp khoảng cách so với các vùng kinh tế khác của đất nước.

Bảy là: Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới như: “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, “Biên giới với học đường”, “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm,Mỗi tuần 1 câu hỏi, 1 đáp án” của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh trật tự và tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Vận động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh” của Công an tỉnh; mô hình “Cửa khẩu số, Hải quan số”Hải quan và Doanh nghiệp” của Cục Hải quan tỉnh; mô hình "Phụ nữ biên giới xây dựng mái ấm bình yên" của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình” và  Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình, câu lạc bộ “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, “Chi đoàn 3 không với Ma túy”, “Tuổi trẻ với pháp luật” của Tỉnh đoàn…, nghiên cứu áp dụng rộng rãi, phù hợp ở vùng biên giới các mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng; Tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật; hoặc Điểm Tư vấn pháp luật...

Tám là: Quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị, huy động các nguồn lực, bảo đảm công tác PBGDPL được triển khai thuận lợi, đồng bộ. Tích cực biên soạn, phát hành tài liệu trang bị cho các địa phương, đơn vị; củng cố hệ thống tủ sách pháp luật, đảm bảo có đủ các tài liệu, sách, báo pháp luật để cán bộ, nhân dân chủ động nghiên cứu, học tập.

Chín là: Gắn công tác PBGDPL với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, các phong trào thi đua, các đề án, cuộc vận động ở địa phương, đơn vị. Tăng cương công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém để khắc phục, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, cách làm hay, sáng tạo trong công tác PBGDPL tại khu vực biên giới.

Kết luận: Trong điều kiện tăng cường pháp chế, hoàn thiện và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, công tác PBGDPL ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đặc biệt, đối với khu vực biên giới thì PBGDPL lại càng cấp thiết hơn, đòi hỏi người làm công tác PBGDPL vừa phải nhiệt tình, tận tụy với công việc, vừa phải luôn sáng tạo, đổi mới phương pháp và cách thức tuyên truyền phù hợp. Việc thực hiện những giải pháp trên, sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ và Nhân dân các xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn về vai trò to lớn của công tác PBGDPL đối với hoạt động quản lý nhà nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

Tô Huệ

Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. More details…